Bối cảnh Trận_Hohenfriedberg

Năm 1740, hoàng đế La-Đức kiêm đại công tước Áo Karl VI chết. Con gái là Maria Theresia lên kế tục ở Áo, nước mạnh nhất trong đế quốc La-Đức. Bấy giờ ở mạn đông bắc Đức có nước Phổ đang quật khởi mạnh mẽ nhờ các chính sách hành chính, kinh tế, quân sự hiệu quả. Vua Phổ Friedrich II thấy Maria Theresia non kinh nghiệm và Áo cũng đang khủng hoảng trầm trọng do thất bại trong chiến tranh Kế vị Ba Lan (1733-35) và chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ (1737-39). Friedrich vì vậy mà sinh mưu đồ chiếm đoạt Schlesien, một tỉnh trù phú của Áo.[6] Ngoài Phổ và Áo, các nước lớn khác của châu ÂuNga đang vướng đấu đá cung đình, Anh thân Áo nhưng đang đánh với Tây Ban Nha từ năm 1739, còn Pháp là kẻ thù lâu năm của Áo, nên cục diện rất có lợi cho Phổ.[6]

Ngày 16 tháng 12 năm 1740 Friedrich khởi 2,7 vạn binh từ Brandenburg tràn sang Schlesien, dẫn đến sự hình thành mặt trận Áo-Phổ trong chiến tranh Kế vị Áo. Bên Áo chỉ đặt 8 nghìn quân chống giữ. Chỉ sau 6 tuần chinh chiến, cuối tháng 1 năm 1741 quân Phổ thu phục toàn bộ Schlesien, kể cả thủ phủ Breslau.[7] Đại quân Áo từ Mähren tiến ra đánh Schlesien, bị bại tan nát trong trận Mollwitz ngày 10 tháng 4 năm 1741.[8] Trận thắng đầu tiên của Friedrich đã cổ vũ PhápBayern liên kết với Phổ xâu xé hệ thống lãnh địa của Áo. Tháng 5 năm 1742, quân Phổ lại đánh thắng quân Áo trong trận Chotusitz; sau đó Friedrich xé bỏ liên minh với Pháp, Bayern và ký kết hòa ước Breslau với Áo ngày 11 tháng 6 năm 1742. Hòa ước này quy định Áo phải nhượng hoàn toàn Schlesien cho Phổ, song cũng tạo điều kiện cho Áo dồn sức đánh Pháp và Bayern. Quân đồng minh Pháp-Bayern liên tục bại trận trong năm 1743.[9][10]

Đầu năm 1744, đại công nương Áo Maria Theresia liên kết với Sachsen chuẩn bị chiếm lại Schlesien. Friedrich đã bắt bài được ý định này, nên vào tháng 6 ông tái lập liên minh với Pháp, Bayern và mở lại mặt trận Áo-Phổ. Tháng 8 năm 1744, Friedrich đem 8 vạn quân đánh vùng Böhmen nhằm uy hiếp thủ đô Viên. Quân Áo do vương công Karl Alexander xứ Lothringen chỉ huy, có thống chế Otto Ferdinand von Abensberg und Traun bày mưu, chủ trương quấy nhiễu đường liên lạc của Phổ, đồng thời tránh đánh quy ước với địch. Friedrich đành chấp nhận thất bại và phải triệt thoái về Schlesien sau khi hao tổn gần 3 vạn lính mà phần lớn do bệnh tật, đào ngũ, hoặc bị bắt. Tình hình càng trở nên có lợi cho Áo khi Bayern đầu hàng vào ngày 22 tháng 4 năm 1745, còn Pháp mãi lo xâm lược Hà Lan nên cũng không thể chi viện cho Friedrich.[11][12][5] Nhưng Friedrich vẫn kiên quyết giữ lấy Schlesien. Ông ta cài tình báo vào bộ chỉ huy quân Áo đặng kích động tâm lý chủ quan của các tướng Áo và nắm bắt các kế hoạch của họ. Tháng 3 năm 1745, các gián điệp đã tiết lộ với Friedrich rằng liên minh Áo-Sachsen đang tập trung binh lực chuẩn bị đánh từ Böhmen vào Schlesien.[13] Ngay lập tức, vua Phổ lập sở chỉ huy ở Glatz quy tụ 58800 quân gồm 42 nghìn bộ binh, 14500 thiết kỵ và long kỵ, 2300 khinh kỵ cùng 54 đại bác về Schlesien trong tháng 4 – 5 năm 1745[5].[2]

Quân Áo tiến vào Schlesien

Bản đồ trận Hohenfriedberg ̣(4 tháng 6 năm 1745)

Đúng như các điệp viên Phổ thông báo, đại công nương Áo đã tổ chức tập kết một lực lượng lớn tại Böhmen vào mùa xuân năm 1745.[13] Đội quân này bao gồm 4 vạn quân Áo do vương công Karl Alexander xứ Lothringen và 19 nghìn quân chư hầu Sachsen do quận công Johann Adolf chỉ huy. Lúc bấy giờ Traun đã được điều đi cầm quân trên mặt trận Bayern.[5].[2] Sau thất bại của Friedrich trong chiến dịch Böhmen năm 1744, Karl rất xem thường sức mạnh quân đội Phổ, nên không hề đề ra biện pháp ngăn chặn các hoạt động quân sự và tình báo của Friedrich. Việc tập trung binh lực của Áo-Sachsen diễn ra khá chậm và vẫn chưa hoàn tất vào đầu tháng 5 - khi phía Phổ đã hoàn thành chuẩn bị chiến đấu.[13]

Đến ngày 26 tháng 5, quân liên minh Áo-Sachsen khởi hành tiến đánh Schlesien.[2] Để phát huy triệt để sức mạnh tác chiến của quân Phổ, Friedrich quyết định dụ địch khỏi vùng đồi núi trên biên ải Böhmen-Schlesien và ép họ đánh một trận quy ước trên đồng bằng Schlesien. Friedrich đã cài một điệp viên hai mang người Ý vào hành dinh Áo, nói phao rằng quân Phổ đang chạy lùi về Breslau. Friedrich còn sai các đơn vị cơ động của trung tướng Peter Ludwig du Moulin và thiếu tướng Hans Karl von Winterfeldt bắn tin này ra bên ngoài, rồi cũng chính các đơn vị ấy giả vờ tháo lui trước mặt quân tướng Áo.[2] Kết quả là vào chiều ngày 3 tháng 6, liên quân Áo-Sachsen tiến khỏi các đồi gần Böhmen và đóng trại trên một địa bàn dài hơn 6 km giữa hai thị trấn Kauder và Hohenfriedberg. Do tin rằng quân địch đã co cụm về Breslau, Karl không cho kỵ binh đi trinh sát và chỉ phòng bị doanh trại một cách qua loa.[13] Trên thực tế, cách đó không xa về phía đông nam, Friedrich đã ém quân sau rừng Nonnen-Bush và trong các trũng giữa Schweidnitz và Alt-Jauernick từ ngày 1 tháng 6.[2]